Một số thông tin bên lề Chung_kết_UEFA_Champions_League_2009

Manchester United và Barcelona đã gặp nhau tổng cộng 9 lần tại đấu trường châu Âu: 3 lần trong khuôn khổ Cúp C2 châu Âu và 6 lần tại UEFA Champions League. Trong 9 lần đối đầu, Manchester United đã ba lần giành chiến thắng trước Barcelona và hai lần chịu thất bại, còn lại là bốn trận đấu kết thúc với tỉ số hòa giữa hai đội. Lần duy nhất hai đội gặp nhau tại một trận chung kết là vào năm 1991, tại trận đấu tranh ngôi quán quân cúp C2 châu Âu. Lần đầu hai đội gặp nhau là tại vòng 3 Cúp C2 châu Âu mùa giải 1983–84; Barcelona thắng trận lượt đi tại sân Camp Nou với tỉ số 2–0, nhưng Manchester United thắng trận lượt về với tỉ số 3–0 tại Old Trafford và giành quyền lọt vào vòng bán kết. Đây cũng là chiến thắng đậm nhất của Manchester United trước Barcelona; Còn chiến thắng cách biệt nhất của đội bóng blaugrana trước những con quỷ đỏ là chiến thắng 4–0 trên sân nhà tại vòng bảng UEFA Champions League 1994–95. Lần gần đây nhất hai đội gặp nhau là tại bán kết UEFA Champions League 2007–08, khi Manchester United thủ hòa Barcelona 0–0 tại Camp Nou trước khi giành chiến thắng với tỉ số tối thiểu 1–0 ở trận lượt về trên sân Old Trafford.[9]

Cả hai đội bước vào trận đấu này với tư cách là đội đương kim vô địch quốc gia – đây là lần đầu tiên kể từ năm 1999 diễn ra tình huống này tại trận chung kết UEFA Champions League, khi Manchester United đánh bại Bayern Munich với tỉ số 2–1 tại sân Camp Nou, khi đó cả hai đội đều đã giành ngôi vô địch quốc gia trước khi bước vào trânh chung kết Cúp C1 châu Âu. Manchester United lần thứ 11 giành ngôi vô địch Premier League sau trận hòa 0–0 với Arsenal vào ngày 16 tháng 05,[10] còn Barcelona chắc chắn đoạt ngôi quán quân La Liga sau thất bại của Real Madrid trước Villarreal vào cùng ngày hôm đó.[11] Nếu giành ngôi vô địch, Barcelona sẽ trở thành câu lạc bộ Tây Ban Nha đầu tiên giành cú ăn ba với các chức vô địch La Liga, Copa del Rey và UEFA Champions League trong cùng một mùa bóng.[11]

Sân vận động Olimpico của thủ đô Roma được nhà độc tài Benito Mussolini cho xây dựng từ giữa thập niên 1930 để trở thành trung tâm của hạ tầng cơ sở thể thao của thủ đô Italia, đầu tiên sân được mang tên Foro Mussolini. Sau Thế chiến thứ hai, sân được đổi tên thành Foro Italico và được cải tạo khá nhiều với sức chứa vào khoảng 54. 000 chỗ để đăng cai tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1960. Sau khi tổ chức Giải vô địch điền kinh Thế giới 1987, sân lại được tái thiết một lần nữa để tổ chức World Cup 1990. Lần gần đây nhất sân được nâng cấp là vào năm 2008, nâng sức chứa của Stadio Olimpico lên tổng cộng 72.689 chỗ.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chung_kết_UEFA_Champions_League_2009 http://www.uefa.com/competitions/ucl/finals/newsid... http://www.uefa.com/competitions/ucl/fixturesresul... http://www.uefa.com/competitions/ucl/fixturesresul... http://www.uefa.com/competitions/ucl/fixturesresul... http://www.uefa.com/competitions/ucl/fixturesresul... http://www.uefa.com/competitions/ucl/news/kind=1/n... http://www.uefa.com/competitions/ucl/news/kind=1/n... http://www.uefa.com/newsfiles/ucl/2009/302813_fr.p... http://www.uefa.com/uefa/keytopics/kind=524288/new... http://news.bbc.co.uk/sport1/hi/football/eng_prem/...